Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]



Bài do

Trần Kim Vy

Hình do

Trần Minh Tâm



 




Từ nhóm Văn Học Sáng Tạo
đến Văn Đàn Đồng Tâm

Giáo sư
Doãn Quốc Sỹ
thuyết trình

Bài do: Trần Kim Vy - Hình do: Trần Minh Tâm





Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật
trên Đài Radio Houston với
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Ông Tạ Xuân Thạc, Nhà văn Trần Khánh Liễm
Cô Bạch Hạc & Ông Nguyễn Ngọc Bảo, phụ trách chương trình VHNT

( BẤM PLAY 2 lần )



Sinh hoạt văn hoá trong thời gian gần đây tại thành phố Houston không thu hút nhiều đồng hương hội đoàn tham dự. Cách đây hai tuần một Buổi Lễ Ra Mắt Sách của tác giả Vĩnh Như, tác phẩm mang tựa đề "Cuộc Xâm Lăng Không Tiếng Súng" do ông Trương Văn Cao chủ trương Tủ Sách Việt Thường Online tổ chức tại phòng hội của đài Little SàiGòn vào ngày 23-3-2008, chỉ có vỏn vẹn trên dưới 50 người tới tham dự. Hôm nay tại nhà hàng Phố Xưa (6200 trên đường Wilcrest, thuộc khu Southwest), mặc dù chương trình được quảng cáo rộng rãi, có talk show giới thiệu trước đó trên các đài phát thanh địa phương, nhưng số người tham dự cũng chỉ trên dưới 50 người! Tại sao vậy? Câu trả lời chắc cũng giống như các đồng nghiệp cho biết mùa này là mùa của tháng Tư Ðen, hầu hết các Hội đoàn đều dồn nỗ lực cho những chương trình tưởng niệm.

Tuy ít người tham dự nhưng buổi Ra Mắt hai tác phẩm "Kỷ Niệm Về Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ" và "Tuyển Tập Ðồng Tâm Quyển số 6" cũng được diễn ra trong không khí trang trọng và ấm cúng.

Thiệp mời có ghi rất rõ là chương trình bắt đầu từ 2PM đến 5PM, nhưng mãi đến 2 giờ 45 mới vào chương trình vì Ban Tổ Chức muốn chờ đợi quan khách đến đông đông một phút. Nhưng chờ hoài cũng chỉ những người đến đúng giờ kiên nhẫn đợi chờ.

Dưới sự điều hợp của MC Nguyễn Ngọc Bảo, nghi thức chào cờ hát Quốc Ca Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà và một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến tiền nhân cũng như chiến sĩ đã hy sinh tính mạng cho Tổ Quốc và đồng bào đã hy sinh trên bước đường tìm tự do đã được cử hành một cách trang nghiêm.

Tiếp tục chương trình, ông Tạ Xuân Thạc là Chủ Nhiệm Văn Ðàn Ðồng Tâm đã ngỏ lời chào mừng quan khách hiện diện trong buổi lễ. Nhà văn Tạ Xuân Thạc cho biết hôm nay ngoài việc ra mắt hai quyển sách "Kỷ Niệm Về Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ" và "Tuyển Tập Ðồng Tâm số 6", Ban Tổ Chức Chức hân hoan loan báo hôm nay cũng là ngày mừng Văn Ðàn Ðồng Tâm lên 3 tuổi.

Ðược biết Văn Ðàn Ðồng Tâm được thành lập vào mùa hè năm 2005 do Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ làm cố vấn, nhà văn nhà báo Trần Việt Hải là Chủ Bút và nhà văn Tạ Xuân Thạc là Chủ Nhiệm. Chủ đích của Văn Ðàn Ðồng Tâm là sinh hoạt về văn hoá và xã hội. Ðối vối sinh hoạt Văn hoá thì Văn Ðàn Ðồng Tâm có hai chủ trương, đó là Vinh danh những nhà văn, nghệ sĩ lão thành đã có công đóng góp cho kho tàng văn học Việt Nam và chủ trương thứ hai là nâng đỡ những cây viết trẻ.

Theo nhà văn Tạ Xuân Thạc thì kho tàng văn hoá của miền đã bị chế độ CS chà đạp và vùi dập xuống bùn đen. Họ gọi văn hoá miền là văn hoá đồi truỵ. Họ đối xử với các sĩ phu miền còn tàn ác hơn cả Tần Thuỷ Hoàng. Ngày xưa Tần Thuỷ Hoàng "đốt sách, chôn sống học trò" còn ngày nay CS Bắc Việt khi chiếm được miền Nam thì muốn thiêu huỷ hết nền văn học tự do miền Nam để thay thế bằng văn hoá nô dịch của CS Nga Tàu nhằm phục vụ cho độc đảng CS mà thôi. Họ đã bỏ tù những người tạo ra sách vở, họ gọi những người này là biệt kích cầm bút cần phải tiêu diệt bằng cách này hay cách khác. Nhiều người đã chết trong thời gian bị tù. Một số người khác may mắn thoát hiểm sau nhiều năm nằm gai nếm mật, điển hình tại đây có Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ, cố vấn của Văn Ðàn Ðồng Tâm sau 12 năm tù CS, nhờ sự tranh đấu của các Tổ Chức Nhân Quyền, Tổ Chức Văn Bút Thế Giới buộc họ phải trả tự do cho nhà văn Doãn Quốc Sỹ nên sau cùng họ đành phải trả tự do và để cho ông ra đi.

Không ai phủ nhận được công lao của nhà văn Doãn Quốc Sỹ đối với nền văn học Việt Nam nên Văn Ðàn Ðồng Tâm đã làm công việc Vinh danh ông, và Văn Ðàn Ðồng Tâm sẽ tiếp tục vinh danh các nhà văn các nhà nghệ sĩ lão thành như Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, nhà văn Lê Hữu Mục, nhạc sĩ Anh Bằng v.v...

Với những cây viết trẻ thì Văn Ðàn Ðồng Tâm hướng dẫn bằng cách liên lạc qua email. Hỏi qua email, hướng dẫn như thế nào thì nhóm chủ trương cho biết là các bạn ấy tập sự qua sự hướng dẫn của ông Chủ Nhiệm và Chủ Bút làm thành một dàn bài, phân chia bố cục. Khi các bạn trẻ ấy viết xong thì gửi qua email để ông Chủ Nhiệm hay Chủ Bút sửa chữa hướng dẫn, rồi trả lại cho tác giả để đọc lại thêm hoặc bớt. Và như thế, cứ email qua lại nhiều lần cho đến khi cả tác giả và người sửa chữa hài lòng thì lúc đó mới cho phép đăng vào Tuyển Tập Ðồng Tâm số gần nhất. Ðến nay Văn Ðàn Ðồng Tâm có nhiều cây viết trẻ như: Yên Ngân (Ðức Quốc), Thị Hạnh (Na Uy) Ðoá Hoa Hồng (Dallas, Texas, Hoa Kỳ), Trang Bích Diễm (San Jose, Hoa Kỳ), Phạm Khái Tuấn (Vancouver, Canada), Minh Nguyệt (Orange County, CA), Ðường Sơn (Melbourne, Úc Châu), Bích Phượng (Paris), Yên Thư (San Diego, CA), Như Phong (Dallas, TX) v.v... Song song với sinh hoạt Văn Hoá, Văn Ðàn Ðồng Tâm cũng có công tác về xã hội nữa, vì theo nhà văn Tạ Xuân Thạc thì trong thời đại mà chúng ta đang sống khắp mọi nơi đều có những người bất hạnh vì thiên tai hay vì xã hội bất công ... nên hiện nay Văn Ðàn Ðồng Tâm có cộng tác đặc biệt với Hội Thụ Nhân của Cựu Sinh Viên Ðà Lạt toàn quốc Hoa Kỳ (Dalat University Alumni Charitable Trust). Riêng tại Houston thì do ông Trần Trí làm Chủ Tịch nhằm giúp đỡ các trẻ em bụi đời ở bên nhà. Hội Thụ Nhân đã cho người đi nhặt nhạnh, gom góp các em lang thang đầu đường xó chợ, bán báo, đánh giầy đem về trung tâm Nguyễn Văn Lập (tên của cố Ðức Ông Nguyễn Văn Lập, Viện Trưởng Sáng Lập Viện Ðại Học Ðà Lạt) tọa lạc tại khu Cầu Bình Triệu gần thành phố Sài Gòn để nuôi nấng dậy dỗ và gửi các em theo học tại các trường. Hội còn cấp học bổng cho các em có hạnh kiểm tốt, thông minh, hiếu học để được đi du học bên Âu Châu, Mỹ Châu. Năm 2006 có một em du học bên Pháp tên là Nguyễn Ngọc Bảo đã tốt nghiệp văn bằng Master''s in International Financial Management Banking IAE tại Aix-en Provence, arsrille .

Ðó là hướng đi mà đại gia đình Ðồng Tâm, tất cả các thành viên xa gần đều lấy làm chuẩn để cùng nhau mạnh tiến.

Tiếp tục chương trình MC Nguyễn Ngọc Bảo đã mời Giáo Sư Ðàm Quang Hưng giới thiệu tác phẩm "Kỷ Niệm Với Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ". Giáo Sư Ðàm Quang Hưng cho biết ông không phân tích tác phẩm vì ông muốn dành cho độc giả nghiền ngẫm, Giáo Sư chỉ đọc qua tên các tác giả có bài viết về nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Sau đó ông trò chuyện với cử toạ về vị Giáo Sư nhà văn khả kính Doãn Quốc Sỹ.

Giáo Sư Ðàm Quang Hưng cùng có chung một quan điểm với MC Kỹ Sư Nguyễn Ngọc Bảo. Ông Nguyễn Ngọc Bảo nói rằng: "Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã để lại một gia tài văn chương đồ sộ cho dân tộc. Ông là một nhà tranh đấu, là một nhà văn, nhà giáo, một sĩ phu, một nhà nho và còn là một thiền sư. Bản thân ông là một tấm gương cho Dân tộc chúng ta". Giáo Sư Ðàm Quang Hưng thì nói rằng: " Do đâu mà nhà văn Doãn Quốc Sỹ vô cùng thản nhiên trước mọi trường hợp xảy ra cho ông. Ông không sợ hãi, không giận dữ đối với bất cứ người nào dù người đó là người CS. Ông thản nhiên ngay cả lúc người CS bắt ông và tuyên bố "xử bắn ông". Làm sao ông có được cái đức tính thản nhiên như vậy. Theo tôi thì có thể từ 2 lý do. Thứ nhất là bẩm sinh, trời sinh cho nhà văn Doãn Quốc Sỹ có cái tính trầm tĩnh và thản nhiên như thế. Thứ hai là do ông ngộ được Thiền trong Phật học. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ dù bị bắt và bị đày giống như những người khác nhưng với tư cách của ông mọi người xung quanh không có ai xem thường hoặc thoá mạ ông ở ngoài đời cũng như trong sách vở. Thí dụ hai tên Ðại Tá CS là tác giả quyển sách "Minh Kiến Nam Chi" chuyên viết những bài thoá mạ các nhà văn miền Nam mà đối với nhà văn Doãn Quốc Sỹ họ rất nể phục, không khi nào họ gọi nhà văn Doãn Quốc Sỹ là "thằng" hay là "nó" mà khi viết về ông thì họ gọi là "ông ta" hoặc họ tiểu thuyết hoá và gọi ông là Ðoàn Quốc... v.v..."

Tác phẩm thứ hai là "Tuyển Tập Ðồng Tâm Số 6" được nhà văn Trần Khánh Liểm giới thiệu. Giới thiệu tác phẩm này ông nói: "Trong phần đầu của tuyển tập, văn đàn đã giới thiệu tác phẩm của 9 nhà văn nữ như Bích Phượng, Lê Kim Anh, Tiểu Thu, Thị Hạnh, Yến Ngân, Minh Nguyệt, Linh Vang, Yên Thư và Trang Bích Diễm .... Ðọc cuốn Ðồng Tâm số 6, tôi thấy khá nhiều bài viết như truyện, tuỳ bút, thơ, biên khảo, trong đó có lảng vảng những tâm tình, đưa chúng ta về những tác phẩm và tác giả xa xưa như giới thiệu những gì cần phải nói thêm về hình bóng của Ðạm Tiên trong truyện Kiều, những áng thơ êm dịu của Nguyễn Bính, người tình Mộng Cầm của Hàn Mặc Tử, hay là bài thơ để đời của Hữu Loan "Mầu Tím Hoa Sim". Tôi cũng thấy nhiều đề tài khác nhau nói về những kỷ niệm tại quê nhà và cuộc sống hiện nay ở hải ngoại. Với trên dưới 50 văn thi hữu và số bài vở thật nhiều đã nói lên sự liên hệ của các vị đang điều hành văn đàn như ông Tạ Xuân Thạc, chủ nhiệm, ông Việt Hải, chủ bút.

"Sự phê phán về giá trị nghệ thuật văn học, về cách trình bày và bố cục mỗi câu chuyện hay thơ văn, tôi xin dành những nhận xét khác nhau cho quý vị và bạn đọc, vì mỗi người đều có cảm nhận riêng của họ, người giới thiệu tuyển tập không nên tạo một ấn tượng trước khi người đọc nhìn tới và đọc tác phẩm. Do đó xin cho tôi được miễn bàn trong phần giới thiệu này"

Riêng đối nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ thì diễn giả bày tỏ tấm chân tình của ông như sau: "Mặc dầu là số đặc biệt hôm nay giới thiệu những nhà văn nữ, tôi vẫn không thể nhắc tới các thi văn hữu đã có tên tuổi trong văn học nước nhà từ thời trước 1975. Tôi xin kể tới nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Mặc dầu tới nay tóc đã nặng mùi phong sương, đã trải qua nhiều gian lao kể cả những ngày sống trong lao tù để trả cái nợ văn chương chữ nghĩa. Vì lý tưởng của những người cầm bút, tới nay vẫn còn hăng say kéo dài công việc sáng tác văn chương để dẫn bước cho những thế hệ mai sau trong văn đàn. Xin gửi tới nhà văn Doãn Quốc Sỹ lòng quý mến của tôi và lời cầu chúc nhà văn luôn toại nguyện với phương châm sống của mình: "Hãy sống thanh đạm và làm lành."

Xen kẻ phần trình bày của các diễn giả là một chương trình văn nghệ rất phong phú và đặc sắc do Bạch Hạc, Dạ Lan, Huy Thắng và Nguyễn Ðức Cường trình diễn.





Vì phải rời hội trường trước khi chương trình chấm dứt để tham dự một chương trình gây quỹ do Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo mời nên người viết đành phải lên chào nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Tạ Xuân Thạc. Tuy nhiên khi viết bài phóng sự này chúng tôi cũng nhận được bài nói chuyện của Giáo Sư Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ do chủ nhiệm Văn Ðàn Ðồng Tâm email sang. Ngươi viết thành thật cám ơn và mời độc giả theo dõi nguyên văn bài nói chuyện của nhà văn Doãn Quốc Sỹ phát biểu trong ngày hội ngộ giới thiệu hai tác phẩn "Kỷ Niệm Với Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ" và "Tuyển Tập Ðồng Tâm số 6" sau đây:





Bài nói chuyện của nhà văn Doãn Quốc Sỹ phát biểu trong ngày hội ngộ

( BẤM PLAY 2 lần )



"Kính thưa quý vị quan khách;

"Một số quý vị bằng hữu đã gợi ý cho tôi, ngày hôm nay nên nói về việc họat động của tôi, của Sáng Tạo thuở xa xưa cách nay hơn nửa thế kỷ cho đến Văn Ðàn Ðồng Tâm đang hoạt động bây giờ. Vậy tôi xin kể câu chuyện thật ngắn gọn chung quanh đề tài "Từ Sáng Tạo cho tới Ðồng Tâm" hiện nay. "Trong bầu không khí thân mật giữa căn phòng ấm cúng này, tôi xin có đôi lời tâm sự dưới đây:

"Thời kỳ di cư vô năm 1954, danh từ thời thượng lúc bấy giờ gọi là "Bắc Cờ Năm Tư", tôi có mang theo một truyện ngắn đầu tay, viết theo dạng cổ tích mang tên là "Sợ Lửa". Vào SàiGòn, tôi là thành viên Ðoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư, anh Trần Thanh Hiệp được bầu làm Chủ Tịch (hiện nay anh ở Pháp, anh vừa qua Houston gặp tôi, rồi lại vội vàng đi Thủ đô Hoa Thịnh Ðốn vì có cuộc họp của Phong Trào Dân Chủ cho VN gì đó, tôi không được rõ lắm, nghe anh Hiệp nói khi xong công việc là anh lại phải bay về Pháp gấp).

Ngày đó, nhân danh SV HàNội Di Cư 1954, chúng tôi cho ấn hành Tập San Xuân Chuyển Hướng thì truyện "Sợ Lửa" của tôi được in trong tập san Chuyển Hướng này. Thế là như lửa gặp gió, tôi tiếp tục viết để đi vào cái nghiệp cầm bút bên cạnh cái nghiệp cầm phấn là nhà giáo của tôi. Sau tập san Chuyển Hướng của Ðoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư tôi đứng ra làm Chủ nhiệm tờ báo Người Việt, nhưng cũng chỉ được vài số thì đình bản. Sang năm 1956 gặp Mai Thảo, nhóm chúng tôi xúm nhau cho ra nguyệt san Sáng Tạo.

Thuở Sáng Tạo lúc ban đầu lúc năm 1956, chúng tôi gồm 7 người: Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền và hai họa sĩ Duy Thanh và Ngọc Dũng. Các bằng hữu thường gọi đùa là Thất Tinh (Tinh không có dấu huyền, xin quý độc giả đừng thêm dấu huyền kẻo nguy to đấy). Về sau chúng tôi tiếp nhận thêm anh bạn trẻ là Tô Thuỳ Yên. Chúng tôi tuyệt đối tôn trọng quan điểm đường lối sáng tác của nhau nên các bằng hữu và quý độc giả mệnh danh chúng tôi là nhóm Sáng Tạo kể từ ngày đó. Song song với nhóm Sáng Tạo thời đó còn có nhóm Quan Ðiểm của quý anh Nghiêm Xuân Hồng, Mặc Ðỗ.

Tự ôn lại cuộc đời viết lách của mình, tôi đã có khuynh hướng thích viết văn từ thuở mới trên dưới 20 tuổi. Thuở đó, song song với tờ Phong Hoá của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn còn có nhóm Hà Nội báo của quý vị Lê Tràng Kiều, Vũ Trọng Căn, hai người này đã có lòng ưu ái nâng đỡ và khuyến khích đám trẻ bằng cách cho đăng những "đoản văn" tả tình hay tả cảnh - tôi nói những đoản văn thôi chứ không phải là truyện ngắn - Thuở đó những đoản văn được các vị trưởng thượng nâng đỡ cho in, tôi ký dưới bút hiệu Tô Giang Khách, lý do là ở ngay đầu làng tôi có một con sông nhỏ mang tên là sông Tô Lịch, lúc nào dòng nước cũng lững lờ trôi, tôi lại yêu thích dòng sông đó nên lấy bút hiệu là Tô Giang Khách. Thế rồi trước năm di cư 1954, do một cảm hứng nào đó tôi đã sáng tác ra truyện "Sợ Lửa" dưới dạng truyện cổ tích.

Cũng vào dịp di cư vô Nam lánh nạn Cộng sản, đất nước ta lúc đó đã bị chia đôi, ngăn cách bằng con sông Bến Hải, khi đi di cư, may sao tôi đã mang theo đưọc bản thảo Sợ Lửa vô Nam, để rồi truyện "Sợ Lửa" này đưọc trình diện qua số báo Xuân Chuyển Hướng của Ðoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư. Tôi vẫn tự nghĩ nếu như di cư vô Nam mà tôi đã bỏ quên bản thảo truyện Sợ Lửa ở ngoài Bắc hay có mang vô Nam mà không gặp dịp cho in lên báo và rồi sau đó thành lập nhóm Sáng Tạo thì tất nhiên truyện Sợ Lửa sẽ bỏ vầy bỏ vật đâu đó thì sau cùng cũng lại rơi vào quên lãng hay quăng vào xọt rác thì tôi đã không có dịp đi vào việc viết lách như quý vị thấy ngày nay, thôi thì chúng ta cứ coi đó là duyên nghiệp.

Trong cuộc hội ngộ thân thương của chúng ta hôm nay xin được có đôi lời tâm sự ôn lại một chút dĩ vãng đã đưa tôi vào nghiệp cầm bút như quý vị đã thấy ngày nay. Chuyện Sáng Tạo xưa là thế, xin chuyển qua chuyện Ðồng Tâm ngày nay. Với Ðồng Tâm, tôi và bạn Việt Hải cũng như bạn Tạ Xuân Thạc, chúng tôi đã cố gắng tạo Ðồng Tâm thành một môi trường để giúp các bạn trẻ sau khi đã nhuần nhuyễn quen vối nếp sống mới tại chốn hải ngọai này, chẳng những đã không quên quê hương mà còn biết trân trọng duy trì và phổ biến nét đặc thù truyền thống đáng yêu đáng mến của dân tộc cho thế hệ mai sau cũng như trân trọng giới thiệu văn hoá Việt Nam cho những sắc dân chung quanh nơi mình đang sống.

Ðồng Tâm còn là môi trường giúp các bạn già, thế hệ của tôi gặp gỡ lại thân hữu, bạn bè cũ nghĩa xưa để ôn lại dĩ vãng để cho cuộc sống người già ở chốn hải ngoại này bớt cô đơn.

Và, cũng vừa kể trên, thế hệ trẻ cũng đưọc tiếp xúc với thế hệ già để cùng nhau chắt chiu gìn giữ nền văn hoá của dân tộc Việt tại hải ngoại.

Trong cuộc hội ngộ thân hữu này, tôi chỉ có đôi lời rất vắn tắt nói qua tâm sự của tôi cũng như trên con đường phục vụ văn hoá Việt Nam Hải Ngoại.

Xin thành thật cám ơn quý vị. - Doãn Quốc Sỹ"



Quý độc giả muốn nhận Tuyển Tập Ðồng Tâm có thể liên lạc qua địa chỉ:

Ðồng Tâm
PO Box 692192,
Houston, TX 77269-2192,


Trước khi chấm dứt bài phóng sự ngưòi viết kính chúc Văn Ðàn Ðồng Tâm ngày một phát triển và riêng các vị chủ trương cũng như cố vấn luôn vui khoẻ để hướng dẫn những cây viết trẻ nhập cuộc vào thế giới văn chương giữ gìn chữ nghĩa văn hoá Việt .



Bài do: Trần Kim Vy - Hình do: Trần Minh Tâm

Houston, Texas, tháng 3-2008


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com